Bạn đã từng thấy những chiến dịch Marketing hoành tráng, hàng trăm case-study được mô tả và phân tích tại sao chúng lại thành công, những banner quảng cáo, TVC nở rộ trên truyền thông? Nhưng liệu bạn có biết rằng, đằng sau những chiến dịch Marketing đó, người trong ngành không được hào nhoáng như bạn nghĩ đâu!
Những gì thành công mới được ghi lại
Đúng là có rất nhiều chiến dịch quảng cáo, quảng bá thành công, nhưng bạn nên ngẫm lại, chẳng phải chúng thành công bạn mới biết đến ư? Vậy những thứ không thành công, hoặc “chưa thành công lắm” thì sao? Chúng sẽ nằm ở đâu trên một không gian mạng đầy rẫy những thông tin cập nhật liên tục? Chắc chắn những chiến dịch đó sẽ bị nuốt chửng bởi thời gian và những con chữ từ hàng trăm nghìn chiến dịch khác.
Khi thành công, bạn được ghi danh, còn khi chưa đạt được, những người làm Marketing vẫn sẽ mãi phải chăm chỉ làm lại những bản kế hoạch mới để tạo ra tác phẩm để đời trong sự nghiệp của mình.
Nhiều người, thậm chí là những người rất nổi tiếng, chỉ có cho mình một sản phẩm, một chiến dịch nổi tiếng và rồi từ đó họ sẽ lưu tên trên bảng vàng mà không cần phải thành công thêm một lần nào nữa.
Trước khi ra đời một chiến dịch, bạn sẽ phải làm chuẩn bị
Một sự chuẩn bị kỹ càng cũng chưa chắc đã thành công trong Marketing.
Suy nghĩ sâu hơn vào một chiến dịch Marketing, bạn sẽ tự hỏi, bạn phải làm gì từ khi bắt đầu và kết thúc đây?
Một ý tưởng lóe sáng, tuyệt vời! Bạn có ý tưởng, rồi sao nữa? Bạn nghĩ trong đầu rằng nó rất hay, độc đáo và sẽ khiến công chúng và dư luận bàn tán về nó hàng tháng trời về sau. Nhưng điểm mấu chốt bắt đầu từ đây, bạn làm sao để đem ý tưởng đó ra và biến nó thành thứ nhìn thấy được?
Bạn bắt đầu với một bản kế hoạch, mô tả chi tiết ý tưởng, rồi phân tích thị trường, phân tích nội tại, phân tích đối thủ, sau đó bạn tính đến chuyện chi phí, thời gian triển khai. Tiếp theo chặng đường “làm một mình” này, bạn sẽ phải thuyết trình cho những người sếp, hoặc chí ít là nhà đầu tư của bạn tin vào kế hoạch đó. Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu như bạn tự làm chủ, tuy nhiên thì những người làm Marketing sẽ “chưa” phải là chủ cho đến khi họ giao việc truyền thông đó cho người khác.
Sau tất cả, có được mọi cái gật đầu, bạn lại tiếp tục gặp một khó khăn tiếp theo, triển khai thực tế! Thực tế rất khác trên bàn giấy, bạn đã nghĩ tất cả các trường hợp, nhưng thị trường lại biến bạn thành một người “ngờ nghệch” khi thay đổi không thể đoán định. Khi làm việc nhóm, liệu nhóm đó có hiểu bạn, khi chạy chiến dịch vào thời điểm đó, liệu sẽ có những bất ngờ khác xảy ra không?
Tất cả mọi thứ như vậy biến kế hoạch của bạn từ trên giấy, có thể bay thẳng vào thùng rác và không có một chiến dịch nào được triển khai cả.
Đến bao giờ bạn mới làm được kế hoạch Marketing?
Hãy làm nhiều việc liên quan để tạo ra được vốn kiến thức khổng lồ trước khi làm kế hoạch Marketing.
Muốn làm kế hoạch ư? Như đã nói bạn gần như phải am hiểu mọi thứ, có nghĩa là bạn sẽ phải bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất trong Marketing. Muốn lên ý tưởng, bạn phải hiểu về Content; muốn phân tích mọi thứ, bạn phải học về thị trường, SWOT, học về sản phẩm chi tiết nhất; muốn triển khai trên các kênh truyền thông, chí ít bạn cũng phải đã từng làm việc đó để biết nó sẽ hiển thị ra sao,… có hàng trăm thứ bạn cần làm trước khi sinh ra được một kế hoạch mang tính đột phá của chính bản thân mình.
Có thể thấy, nhiều người rất thích học về truyền thông, về Marketing khi chỉ mới tiếp xúc hoặc biết đến các kế hoạch hoành tráng mà báo đài suốt ngày nhắc đến. Tuy nhiên, để Zstation nói bạn nghe, mọi nghề đều có những khó khăn riêng, và Marketing không chỉ đơn thuần là những gì mà bạn đã biết trên mạng đâu, hãy tìm hiểu kỹ hơn một chút trước khi có ý định “dính líu” đến bộ môn cực kỳ khó nhằn này nhé!
Ý kiến của bạn